Những lưu ý khi sơn lại ô tô

0
1727

Màu sắc và chất lượng sơn của xe nói lên nhiều điều, trong đó có sở thích cũng như tính cách của chủ nhân. Các vết xước không chỉ làm cho chiếc xe trông lem luốc mà còn tạo điều kiện cho các bụi bặm bám vào, nước mưa ngấm rồi oxy hóa. Nếu tình trạng trầm trọng còn có thể làm cho vỏ xe chỗ trầy xước bị ăn mòn, rỉ lên rồi loang rộng ra. Khi “tấm áo ngoài” của xế yêu đã sờn, cũ hoặc có quá nhiều vết xước thì bạn nên sơn lại nó. Dù bạn quyết định sơn lại toàn bộ ô tô, giữ nguyên màu sơn cũ, sơn màu mới hoàn toàn, hoặc đơn giản chỉ phục hồi lại một số điểm bị trầy xước sâu thì quy trình tiến hành tương tự như nhau.

Trong việc sơn lại xe, kinh nghiệm và kỹ năng của các chuyên gia là vô cùng quan trọng. Tuy vậy, yếu tố quyết định đến độ bóng, chuẩn của lớp sơn lại là khâu chuẩn bị. Sau đây là một số chia sẻ cần thiết cho bạn khi có ý định sơn lại xe

1. Khi nào cần sơn lại ô tô?

Khi lớp sơn vỏ ngoài xe bị tổn thương do va chạm thì nên sơn lại. Đối với các vết xước nông có thể xử lý và đánh bóng lại nhưng nếu lớp sơn ngoài xe của bạn bị trầy xước nhiều, các vết xước quá sâu hoặc sợn bị bạc màu hay sơn loang lổ thì hãy nghĩ đến việc sơn lại toàn bộ xe.

2. Sơn màu nguyên bản hay đổi màu sơn mới?

Điều này phụ thuộc sở thích của chủ xe. Khi đã quyết định sơn lại một phần (sơn sửa chữa), thì phần được sơn lại phải được sơn đúng gam màu nguyên bản. Còn nếu sơn lại toàn bộ xe, bạn sẽ có hai lựa chọn: một là sơn lại toàn bộ xe theo gam màu của xe nguyên bản, hoặc là sơn một gam màu khác hoàn toàn mới.

Cách xác định màu sơn nguyên bản:

Nếu bạn muốn sơn lại xe ô tô giống với màu nguyên bản, cần xác định màu đó. Thông thường, mã màu xe sẽ được nhà sản xuất đính kèm cùng nhiều thông tin khác lên một miếng kim loại. Miếng này có thể đặt ở dưới nắp ca-pô, phía dưới kính chắn gió trước. Nếu không thể tìm được, hãy liên hệ với các đại lý bán xe (nếu xe đời không quá cũ) để họ kiểm tra mã màu. Trong trường hợp không có code màu, hãy phun vào panel rồi so sánh với xe mới trước khi quyết định dùng màu sơn đó.

Trong trường hợp muốn đổi màu sơn khác, cửa hàng sẽ đưa bảng màu cho bạn chọn. Hãy nhớ nhìn kỹ màu dưới các điều kiện ánh sáng khác nhau để có quyết định đúng đắn nhất trước khi áp dụng màu đó lên lớp vỏ ô tô.

Màu sắc chuẩn sẽ được tạo ra từ đúng tỷ lệ pha trộn mà nhà sản xuất sơn cung cấp cho từng mã màu. Yên tâm rằng màu sơn sẽ chính xác như mong muốn khi xưởng đó pha trộn bằng cân điện tử có độ chính xác cực kỳ cao.

3. Các xưởng sơn chuyên nghiệp cần có trang thiết bị gì?

Bất kỳ xưởng sơn đảm bảo đúng quy trình cần có các buồng phun sơn chuyên dụng và lò sấy để tránh bụi bẩn từ bên ngoài, đảm bảo lớp sơn “sạch” nhất có thể và giữ được độ ẩm cần thiết để sơn đạt độ kết dính tốt nhất trong mọi điều kiện thời tiết. Các dụng cụ khác bao gồm thiết bị pha trộn sơn, súng phun sơn và các thiết bị dùng để đánh bóng sau khi sơn xong.

4. Sơn vỏ xe có mấy lớp?

Vỏ của một chiếc xe thông thường gồm có 4 – 5 lớp sơn. Trong cùng là lớp sơn chống rỉ. Tiếp đến là lớp sơn lót, sơn màu. Cuối cùng là lớp sơn bóng. Với một số dòng xe cao cấp trên thế giới hoặc các dòng xe hoán cải, xe sản xuất thủ công, lớp sơn vỏ có thể còn nhiều lớp hơn có tác dụng tạo độ sâu, tạo họa tiết trang trí hoặc các hiệu ứng đặc biệt.

5. Các bước cơ bản phải tuân thủ khi tiến hành sơn xe?

Khi tiến hành sơn lại toàn bộ xe, kỹ thuật viên sẽ thực hiện lần lượt các bước sau:

Bước 1: Kiểm tra code màu do nhà sản xuất cung cấp. Tiến hành pha sơn theo đúng tỷ lệ tiêu chuẩn;

Bước 2: Chuẩn bị bề mặt sơn: mài ráp toàn bộ vỏ xe, sửa chữa và khôi phục những chỗ bẹp méo, cong vênh và vệ sinh sạch vỏ xe;

Bước 3: Phun sơn và sấy khô rồi đánh bóng lần lượt các lớp sơn chống rỉ và sơn lót. Tiếp đến là sơn màu;

Bước 4: Phun sơn bóng, để khô và đánh bóng.

Nếu chủ xe muốn sơn nhiều màu sơn khác nhau trên một thân xe thì phải bọc dán phân cách từng tone màu trước khi sơn màu sơn mới bên cạnh

6. Tem xe, logo, chữ kim loại?

Khi tiến hành sơn lại toàn bộ xe, nếu chủ xe có nhu cầu, các trung tâm dịch vụ chính hãng cũng sẽ cung cấp và dán lại các tem, logo hay chữ kim loại cho xe.

7. Thời gian sơn xe?

Độ nhanh hay lâu tùy thuộc vào độ phức tạp của quy trình sơn. Sơn toàn bộ khung vỏ phải nhấc máy ra sẽ tốn thời gian hơn. Thời gian trung bình để sơn một chiếc ô tô rơi vào khoảng 4 ngày.

8. Thủ tục để xe được lưu hành sau khi sơn lại ô tô

Nếu xe được sơn lại theo màu nguyên bản thì chủ xe không cần làm bất kỳ thủ tục gì. Nhưng nếu xe được sơn màu khác thì chủ xe cần tiến hành đăng ký đổi màu xe với cơ quan có thẩm quyền trước khi lưu hành xe.

9. Chi phí cho việc sơn toàn bộ xe

Chi phí cho một lần sơn toàn bộ đối với xe 4 chỗ ngồi sử dụng màu nguyên bản là khoảng 7 triệu đồng còn sơn màu khác là khoảng 12 triệu đồng. Đối với xe 7 chỗ, chi phí tương ứng sẽ là 8 và 14 triệu đồng.

10. Lưu ý giữ bền lớp sơn sau khi hoàn thiện

Lớp sơn luôn tiếp xúc với môi trường nên các yếu tố tác động bên ngoài cần được lưu tâm.

Nếu phải để xe ngoài trời, nên để xe ở khu vực có mái che hoặc có các phương tiện che chắn.

– Rửa xe bằng nước máy sạch, ước giếng khoan sẽ làm ố màu sơn rất nhanh; không dùng súng rửa có áp suất cao, dí sát mặt sơn vì như vậy sẽ dễ làm bong, tróc sơn; sử dụng các chất tẩy rửa chuyên dụng, tuyệt đối không dùng các chất có khả năng tẩy rửa mạnh hay xà phòng vì như vậy sẽ khiến cho màu xe của bạn nhanh bị bạc.

– Không đỗ xe dưới các gốc cây nếu không có phương án che chắn vì chất thải của chim và một số loại côn trùng có thể làm hư hại bề mặt sơn.

Biên soạn: Garatructuyen.com

Các bài viết liên quan:

Những “kẻ thù” của lớp sơn xe ô tô

Cấu tạo cơ bản của súng phun sơn ô tô

Các loại sơn sử dụng trong sơn sửa chữa ô-tô

Thành phần cơ bản của sơn sửa chữa ô-tô

Quy trình bả matit trong sơn sửa chữa ô-tô

Tại sao cần phải làm đồng xe ô tô trước khi sơn lại?

Các lỗi phổ biến và Biện pháp khắc phục trong quá trình sơn

Diễn đàn Gara trực tuyến